25 C
Hanoi
Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
More
    Trang chủThành CôngÔng Trương Gia Bình và 13 tiêu chí chọn doanh nhân “nối...

    Ông Trương Gia Bình và 13 tiêu chí chọn doanh nhân “nối nghiệp”

    Date:

    Related stories

    5 thói quen đơn giản giúp nâng cao năng lực lãnh đạo

    Trở thành nhà lãnh đạo giỏi không phải điều...

    Thời cơ quan trọng như thế nào trong kinh doanh?

    Một nhà lãnh đạo đưa ra một quyết định...

    5 cách để “sống hòa bình” với áp lực công việc

    Những thất bại ngoài dự kiến, những cuộc “chạy...
    spot_imgspot_img

    “Để thực hiện thành công chuyển giao thế hệ, chúng tôi đã đưa ra 13 tiêu chí lãnh đạo tập đoàn FPT. Đây là những việc mà thế hệ tôi đã phần nào làm được, đạt được. Tôi chờ đợi thế hệ lãnh đạo FPT sắp tới cũng phải làm được những việc như thế”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã có lần chia sẻ với BizLIVE.
    Cử chỉ nhanh nhẹn, lời nói mạnh mẽ, ánh mắt sáng, ông Bình dễ mang đến cảm giác với người đối thoại, rằng ông trẻ trung hơn nhiều so với tuổi thực của mình.

    Sáng tạo để sinh tồn

    – Xin chúc mừng ông nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam! Đối với ông, ngày 13/10 năm nay có điều gì đặc biệt hơn các năm trước không?

    Trước đây, chúng tôi thường vui mừng về một Ngày Doanh nhân để bạn bè gặp nhau, chia sẻ vui buồn. Nhưng Ngày Doanh nhân 2014 gợi cho tôi nhiều cảm xúc phong phú hơn.

    Điều này liên quan đến thách thức mà doanh nhân phải đối mặt khi không khí hội nhập toàn cầu sắp mở ra, Việt Nam sắp ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực trên thế giới.

    Có thể nói, cảm xúc cạnh tranh toàn cầu đã trở nên sát sườn và thách thức hơn. Chính điều đó thôi thúc chúng ta, ngoài việc kỷ kiệm ngày doanh nhân thì cũng là dịp để suy nghĩ, xem xét đổi mới như thế nào, sáng tạo như thế nào để khẳng định vị thế của chúng ta trong cuộc chơi hội nhập.

    Luật chơi là bình đẳng và giống nhau, cơ hội để người ta đến sân nhà mình dễ dàng hơn, thì ngược lại đối với mình cũng vậy. Cạnh tranh sắp tới sẽ rất khốc liệt, vì vậy đòi hỏi hơn nữa bản lĩnh của doanh nhân.

    Thông thường, người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh phải là người có năng suất lao động cao. Anh phải sản xuất hàng chất lượng cao, giá rẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào chất lượng cao, giá rẻ cũng cũng bán được hàng mà cần tạo sự khác biệt mà thị trường chấp nhận.

    – Vậy thì theo ông, đâu là cách doanh nhân Việt Nam có thể tạo ra sự khác biệt?

    Việt Nam cần xây dựng dịch vụ trên lợi thế quốc gia, con người và thiên nhiên Việt Nam. Nếu tách điều đó ra sẽ rất khó khăn. . Tôi nghĩ, chúng ta nên tập trung vào khai thác lợi thế quốc gia để tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh toàn cầu.

    Nói vui thì Việt Nam là dân tộc mà hay làm chẳng giống ai. Nếu bảo A thì có khi phải A phẩy, thậm chí là B. Năng lực sáng tạo để sinh tồn là bản năng có trong người Việt, tôi nghĩ, doanh nhân Việt cũng có bản năng này.

    Tuy nhiên, cá nhân tôi mong muốn các doanh nghiệp trong cái sự sáng tạo của mình phải coi công nghệ là vũ khí then chốt. Trong các sáng tạo, có sáng tạo về quản trị, sáng tạo về sản phẩm, dịch vụ. Đứng đằng sau tất cả là sự đổi mới về công nghệ. Công nghệ càng cao thì tạo ra càng nhiều giá trị.

    Chúng ta hãy suy nghĩ về việc cần có sự khác biệt với một quốc gia rất lớn ở phương Bắc. Nếu chỉ cạnh tranh đơn thuần về giá, thì hàng Việt không có cơ hội. Giá phụ thuộc vào quy mô sản xuất, bạn sản xuất 100 sản phẩm khác với việc bạn sản xuất 40 sản phẩm. Thế nên muốn bán được 40 sản phẩm này thì phải có sự khác biệt.

    Ví dụ bạn hãy tự đặt câu hỏi, cốc thường có cai quai, tôi có thể làm cốc không quai hay không? Hoặc tôi có thể làm cốc hai quai không? Bạn chỉ cần có thay đổi nhỏ là nảy ra một ý tưởng mới…

    Điều này phụ thuộc trong quá trình học hỏi của các doanh nhân. Chúng ta vừa tiếp thu doanh nghiệp đi trước, vừa phải sáng tạo. Đó là nét cơ bản doanh nghiệp phải có trong giai đoạn tới.

    Bài toán chuyển giao thế hệ

    – Là người góp phần đào tạo nhiều lớp doanh nhân trẻ, cũng từng là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông trông đợi gì vào đội ngũ doanh nhân trẻ hiện nay? Liệu họ có thể đáp ứng được cuộc cạnh tranh khốc liệt sắp tới?

    Chúng ta đang chờ đợi sự vươn lên của thế hệ doanh nhân trẻ, thế hệ các ngôi sao mới nổi và sẽ nổi trong giai đoạn tới.

    Vì sao tôi nghĩ như vậy, bởi giai đoạn tiếp theo là cuộc chơi toàn cầu. Cuộc chơi này đòi hỏi sự hiểu biết văn hóa về nhiều nước trên thế giới, đòi hỏi các bạn trẻ bây giờ phải có kỹ năng quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, giỏi trình bày, tăng sức thuyết phục.

    Với nhiều phẩm chất doanh nhân có chuẩn mực cao như vậy, tôi rất hy vọng thế hế trẻ sẽ tiếp sức cho thế hệ doanh nhân chúng tôi là những người mở đường, đi trước xây dựng cộng đồng doanh nhân bây giờ.

    Lớp trẻ hiện tại ở FPT có đáp ứng được kỳ vọng của ông trước cuộc cạnh tranh này?

    Lãnh đạo các đơn vị thành viên, giám đốc chi nhánh quốc tế của tập đoàn FPT, mỗi lần gặp họ đều là niềm vui của tôi.

    Đó là niềm vui khi thấy các bạn trưởng thành một cách nhanh chóng, vượt bậc. FPT hiện cung cấp dịch vụ thông tin cho các tập đoàn hàng đầu trên thế giới, khách hàng FPT chủ yếu là các khách có tên tuổi, danh vọng.

    Các bạn trẻ ở FPT, dù còn trẻ nhưng đủ tự tin quyết liệt, làm việc với tiêu chuẩn quốc tế. Đưa ra tốc độ tăng trưởng cao như thị trưởng Mỹ là 62%, Nhật Bản là 32%, mua lại doanh nghiệp ở châu Âu… Đó là thành tích rất đáng ngưỡng mộ.

    – Hiện ban lãnh đạo FPT với các nhân sự chủ chốt chủ yếu là thế hệ doanh nhân đi trước. Vậy phải chăng lớp trẻ với nhiều phẩm chất như vậy vẫn chưa đủ để giải bài toán chuyển giao thế hệ của FPT?

    Bài toán chuyển giao thế hệ là bài toán rất lớn, không chỉ đối với FPT mà còn đối với các nhiều doanh nghiệp khác. Thời điểm hiện tại, lãnh đạo thuộc thế hệ tôi trong FPT chỉ chiếm vài phần trăm. Tuy nhiên thế hệ tôi cũng có những phẩm chất mà các bạn doanh nhân trẻ cần phải tiếp tục nâng cao học hỏi.

    Thứ nhất, đó là sức thu hút với các lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, chính khách quốc tế và lãnh đạo Việt Nam. Tầm tư duy các bạn phải đẩy thêm một bậc nữa để tỏa sáng trong các cuộc giao dịch quốc tế cấp cao.

    Thứ hai, cần có sự hiểu biết đa ngành đa nghề trong công việc FPT đang có. Giữa doanh nghiệp với chính phủ, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với thị trường đại chúng. Từ viễn thông cho đến dịch vụ, sản phẩm… Đó là kiến thức các bạn ấy cần vươn tới và cần có trải nghiệm.

    Giai đoạn để các bạn ấy có thể đi qua các đơn vị với những lĩnh vực khác nhau và đạt thành công mỗi bước chân qua để bước lên vị trí lãnh đạo tập đoàn đòi hỏi khoảng 5 – 7 năm nữa. Đấy có lẽ cũng chính là lúc FPT giải quyết xong bài toán chuyển giao.

    – Ông có quan niệm “con người là cốt lõi của thành công”, ông có thể chia sẻ tiêu chí chọn người của mình?

    Để thực hiện thành công chuyển giao thế hệ, chúng tôi đã đưa ra 13 tiêu chí lãnh đạo tập đoàn FPT. Đây là những việc mà thế hệ tôi đã phần nào làm được, đạt được. Tôi chờ đợi thế hệ lãnh đạo FPT sắp tới cũng phải làm được những việc như thế.

    Với những tiêu chí cụ thể, ví dụ các bạn ấy phải có khát vọng mạnh mẽ của mình, thông qua việc các bạn ý dành một ngày các bạn ý dành bao tiếng cho công việc của mình.

    Thứ hai, khát vọng của các bạn phải tỏa sáng, thu hút, để người tài ở Việt Nam và những người tài trên thế giới gia nhập đội ngũ của mình.

    Các bạn ấy cần có sức thuyết phục đối với những nhà hoạch định chính sách quốc gia và tập đoàn lớn trên thế giới. Các bạn ấy phải có kinh nghiệm dẫn dắt cộng đồng với vị thế là chủ tịch, phó chủ tịch các hiệp hội. Các bạn ấy phải có tinh thần mà mà FPT tôn vinh đó là đổi mới, liên tục sáng tạo. Các bạn ấy phải có cách ứng xử để thuyết phục tất cả mọi người về sự học hỏi, chí công của mình.

    Rất nhiều tiêu chí, được đưa ra rất cụ thể.

    – Các tiêu chí đó có quá cao, quá khó không, thưa ông?

    Đúng là tiêu chí rất cao, rất khó. Nhưng đó là nhu cầu phải đạt được. Bởi vì sao?

    Bởi vì FPT suy nghĩ rằng để Việt Nam có vị thế xứng đáng trong tương lai, trong phân công lao động toàn cầu, thì Việt Nam cần có những công ty như Nokia của Phần Lan, Huawei của Trung Quốc, Tata của Ấn Độ… Để làm được như vậy thì lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải đạt được các tiêu chí cao.

    – Nhìn chung, mọi người biết đến hình ảnh một Trương Gia Bình thành công. Nhưng liệu người ta cũng có thể học được ở ông từ những thất bại?

    Thực ra phải nói là lãnh đạo FPT mang tính tập thể, không có quyết sách nào không được đem ra thảo luận. Không có quyết sách nào mà không bị lật lên lật xuống, bị tranh luận một cách quyết liệt. Đó là phong cách làm việc của FPT.

    Chính phong cách này tạo ra hầu hết là các quyết định hoặc là thành công nhỏ, hoặc là thành công lớn. Rất ít những quyết sách sai lầm bởi tính tranh luận, thực tiễn, dân chủ trong tổ chức FPT.

    Với bản thân tôi, kinh doanh vốn là mạo hiểm. Tôi hay FPT cũng có những lần thất bại vì tính cả tin. Khi cả tin thì có những quyết định sai nhưng đối với tôi, thà cả tin còn hơn không làm gì cả. Chấp nhận mạo hiểm! Nhưng nhìn lại thì thấy bao năm qua FPT vẫn liên tục tăng trưởng.

    Hãy nghĩ đến hai chữ Việt Nam

    – Trong rất nhiều lĩnh vực mà FPT đang hoạt động, lĩnh vực nào sẽ là then chốt và quan trọng nhất mà ông và FPT sẽ tập trung trong những năm tới?

    Trong chiến lược mới của FPT, chúng tôi nhìn cơ hội mang tính toàn cầu. Đó là ước mơ về một thế giới thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới mang tên SMAC, gồm 4 chữ viết tắt của Social, Mobile, Analytics and Cloud.

    Cuộc cách mạng này được thế giới coi là cách đây hai năm. Vì hai năm nên là rất mới. Vì vậy mà Việt Nam và FPT cùng cơ hội xuất phát với thế giới.

    FPT đã đưa được ra rất nhiều các dịch vụ thông minh ra toàn cầu. Trong bước phát triển mới của FPT, một trong những điểm trọng yếu là tiên phong trong cuộc cách mạng SMAC và dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực điện toán đám mây.

    Tôi nghĩ rằng lượng khách hàng toàn cầu FPT đang ngày càng lớn. FPT đang đặt ra nhiệm vụ đạt được hợp đồng phần mềm với giá trị 3 chữ số trong một hợp đồng và cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như các tập đoàn hiện đang dẫn dắt thế giới về công nghệ.

    – Hôm nay, nếu có một thông điệp cho các doanh nhân trẻ, ông sẽ nói gì?

    Tôi tin tưởng vào doanh nhân Việt, vào bản lĩnh, khát vọng và hoài bão của họ. Các bạn doanh nhân trẻ phải khát vọng và khát vọng hơn nữa. Sáng tạo và sáng tạo hơn nữa. Đổi mới và đổi mới hơn nữa.

    Doanh nhân Việt Nam hãy nghĩ đến hai chữ Việt Nam đầu tiên. Bạn có bằng lòng với vị thế quốc gia nghèo nàn và lạc hậu hay không? Nếu không bằng lòng thì hãy bắt đầu suy nghĩ để tạo ra sự khác biệt đi. Hãy tạo ra giá trị nhất quán, bằng sự nỗ lực.

    Bạn có thể tìm ra con đường riêng. Bạn có thể làm được! Dù bạn cũng có thể thất bại, nhưng đừng để ý chí doanh nhân Việt tắt trong lòng bạn.

    Nguồn: tbdn.com.vn – NXB: 06/12/2014

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây